SỐNG Ở THỂ CHỦ ĐỘNG

23/01/2021 3,667

Nguyễn Tuấn Quỳnh từng có 22 năm làm việc ở lĩnh vực xăng dầu, gas, vàng bạc đá quý, được mệnh danh là "Người hùng ngành gas", từng kiếm 1,2 triệu USD ở tuổi 35 trước khi khởi nghiệp tại SaigonBooks.

Quý khách vui lòng đăng nhập để tải về. Nếu chưa có tài khoản đăng ký tại đây

Tác giả Nguyễn Tuấn Quỳnh từng có 22 năm làm việc ở lĩnh vực xăng dầu, gas, vàng bạc đá quý, được mệnh danh là "Người hùng ngành gas", từng kiếm 1,2 triệu USD ở tuổi 35 trước khi khởi nghiệp tại SaigonBooks. "Sống ở thể chủ động, ở cách khách quan, ở thì hiện tại, ở ngôi thứ nhất, sử dụng động từ yêu thương” là câu châm ngôn của tác giả khi viết cuốn sách này. Bên dưới là các điều đúc kết sau khi đọc cuốn sách:

1. Ổn định cuộc sống không đồng nghĩa với sống cuộc đời an phận, làng nhàng: Một suy nghĩ phổ biến của phụ huynh thế hệ trước là mong con có cuộc sống ổn định, bình thường, bình an, không cần xuất chúng. Tuy nhiên, tác giả chỉ ra rằng SỐNG AN PHẬN, KHÔNG CHỊU TỰ HỌC là nguyên nhân thất bại trong cuộc sống. Ổn định cuộc sống không đồng nghĩa với việc sống đời làng nhàng. Không nên nhìn đời người khác thèm khát đời mình, nghĩa là, đừng đặt ra quá nhiều mục tiêu áp lực quá mức cho bản thân dựa trên chất liệu cuộc sống của người khác. Ổn định cuộc sống là nền tảng để phát triển bản thân và chăm lo cho gia đình. Tuy nhiên, cần giữ được đam mê khát vọng đủ để vươn lên mỗi ngày; Cần ý thức trang bị hành trang cho bản thân và thế hệ mai sau (con cái) đương đầu với một xã hội luôn thay đổi, sẵn dàng đối diện với nghịch cảnh. Chủ động ở đây là chuẩn bị tư duy và kỹ năng để bản thân và gia đình sống với một tương lai bất định, trong đó cần rèn luyện năng lực tự học để vươn lên mỗi ngày.

2. Theo đuổi thái độ chuyên nghiệp để nuôi dưỡng khát vọng:

Theo tác giả, luôn có cơ hội thành công dành cho người nỗ lực vươn lên từng ngày. Tác giả đưa ra một gợi ý để nuôi dưỡng khát vọng trong cuộc sống hàng ngày là theo đuổi sự chuyên nghiệp. Theo tác giả, chuyên nghiệp chính là HOÀN THÀNH VIỆC ĐƯỢC GIAO VƯỢT TRÊN MONG ĐỢI. Người lao động cần xác định phải đi làm và cống hiến bằng “giá trị gia tăng” tức là năng lực tạo ra giá trị cho công ty và cộng đồng.

Để trở nên chuyên nghiệp, cần trang bị cho bản thân 3 thành phần CHUYÊN NGÀNH + KỸ NĂNG tiếng Anh và tin học + KIẾN THỨC TỔNG QUÁT.

  • Kiến thức và kỹ năng liên quan đến chuyên môn chính là món chính, cả bữa ăn sẽ hỏng nếu món chính dở tệ. Theo tác giả, gì thì gì, bạn phải giỏi chuyên môn. Ngay từ khi là sinh viên đại học, bạn không nên coi thường điểm số chuyên ngành, bởi hiện tại, các trường đại học họ đã cập nhật rất tốt chương trình đào tạo. Giỏi chuyên ngành từ khi còn ngồi ở trường đại học là thể hiện thái độ tôn trọng với con đường nghề nghiệp tương lai. Đi làm thêm giai đoạn này cũng nên ưu tiên đến công việc có khả năng cọ sát chuyên ngành. Khi đi làm rồi, luôn cần phải cập nhật kiến thức, kỹ năng về chuyên môn. Khó có ai có thể thành công nếu không coi trọng phương tiện đưa mình đến sự nghiệp tương lai.
  • Kiến thức tổng quát rất quan trọng để đào sâu mức độ ứng dụng của chuyên ngành trong bức tranh tổng thể; giúp nâng cao khả năng tư duy và áp dụng những điều đã học trong thực tế, rèn luyện khả năng thích ứng với những thay đổi của môi trường. Thể hiện độ hiểu biết tình hình xã hội cũng là cách ghi điểm trong mắt đối tác. Nhờ vào khả năng cập nhật thông tin kinh tế xã hội, kiến thức chuyên sâu trong 1 lĩnh vực nào đó nhiều khi lại gia tăng cơ hội đối thoại với khách hàng và đối tác, nhất là khi chủ đề bạn quan tâm đôi khi lại trùng với mối quan tâm của đối phương. Chỉ cần thể hiện độ am hiểu nhất định ở 1 lĩnh vực riêng, bạn sẽ có chỗ dụng võ. Tác giả còn chỉ ra, kiến thức nội hàm, kỹ năng, kinh nghiệm, sự hiểu biết sẽ tạo ra sự tự tin.

3. Để thành công, cần có đam mệ để theo đuổi thái độ chuyên nghiệp, cần người định hướng tốt, và sự khổ luyện (bao gồm năng lực tự học và sự kiên trì). Người thầy/người định hướng/ huấn luận viên không chơi hay hơn bạn nhưng biết bạn sai đúng giỏi dở ở đâu để giúp bạn hoàn thiện hơn mỗi ngày. Người thầy tốt nhất vẫn là thực tế khắc nghiệt. Có va chạm mới trước thành. Hành động luôn tốt hơn ngồi nghĩ. Nếu chưa tìm ra được người thầy tốt/chuyên gia đầu ngành, có thể tham khảo thêm từ sách vở. Khả năng tự học đến từ: tư duy chủ động, sẵn sàng học hỏi và sự dấn thân trải nghiệm. Tác giả tin tưởng tuyệt đối vào kết quả của khổ luyện, sự bền chí và triết lý 10.000 h: để trở thành chuyên gia trong 1 lĩnh vực bất kỳ, hãy nỗ lực rèn luyện 10.000h, tương đương với 8-10 năm.

4. Trung thực, cởi mở, “có giá trị”, cùng có lợi là bí quyết xây dựng mối quan hệ: Tác giả bộc bạch, mối quan hệ chính là tài sản vô giá trong cuộc sống. Bí quyết để xây dựng và duy trì mối quan hệ (dù là với người đầu ngành) là hãy trở nên người có giá trị với họ. Thời sinh viên, tác giả đã tự dịch những báo cáo khoa học của thầy mình sang tiếng việt và gửi email cho ông, gửi đến lần thứ 3 thì nhận được thư phản hồi hẹn gặp của thầy.

  • Có những mối quan hệ được khởi phát từ lợi ích và tiền bạc, tuy nhiên, không nhất thiết phải dùng tiền bạc và lợi ích để phát triển và duy trì. Vẫn có những mối quan hệ giao hảo chân tình, nghĩ cho nhau. Dù mối quan hệ dạng nào, cũng cần xây dựng trên nền tảng “cùng có lợi”. Cần thành thật, cởi mở với đối phương và yêu cầu đối phương cũng thành thật, cởi mở với mình.
  • Bất kỳ ai cũng cần sự quan tâm, cần được lắng nghe và được chia sẻ về mặt tinh thần. Ai cũng có phương diện tình cảm, cũng có lúc gặp khó khăn, buồn khổ, có cả những điểm mù. Một lời hỏi thăm, 1 comment trên blog cá nhân, một cuốn sách/ món quà nhỏ gửi tặng trong 1 phút bất chợt nhớ đến họ, sẽ là cách gìn giữ mối quan hệ. Những chi tiết nhỏ nhặt này có thể giúp mối quan hệ trở nên bền chặt, đặc biệt là trong thời đại căng thẳng trong công việc trở nên trầm trọng, khiến người ta co cụm lại, và thu hẹp dần các mối quan hệ vì quá bận rộn, áp lực.
  • Quản lý thời gian hiệu quả để có thời gian dành cho các mối quan hệ. Theo ông, cái thiếu bây giờ không phải là thời gian mà là kỹ năng quản lý thời gian. Tác giả cũng chia sẻ, ông thường liệt kê ra VIỆC phải làm ngay, việc sẽ làm, việc không bao giờ làm. Với việc mà ông tâm niêm sẽ không bao giờ làm (dựa vào kinh nghiệm, sở thích, triết lý sống của bản thân) ông sẽ gạt bỏ luôn cho nhẹ đầu.
  • Đôi nghi cần phải chấp nhận buông bỏ những mối quan hệ, điều không phù hợp, (những mối quan hệ ban đầu tưởng chừng phù hợp và gắn bó nhưng hóa ra lại không phải).

5. Thái độ sẻ chia trong cuộc sống góp phần hình thành nên tinh thần trách nhiệm: Một điểm cực kỳ hay ho mà mình đúc kết được từ cuốn sách là sự sẻ chia lại đấu nối được với ý niệm về trách nhiệm. Là một người trưởng thành từ phong trào đoàn, khi tuyển dụng, bên cạnh bằng cấp, tác giả đánh giá cao những người tham gia nhiều vào hoạt động xã hội.

Một người biết cách giúp đỡ người khác mà vẫn ý thức hoàn thành công việc của mình, vừa biết cách phối kết hợp để làm việc nhóm rõ rang là một người có óc tổ chức và quản lý công việc, biết sắp xếp công việc theo mức độ ưu tiên, giao việc, nhân việc. Đừng lo lắng vị cho rằng tham gia hoạt động xã hội là lo việc bao đồng, thông qua những phong trào đó, bạn được uốn nắn kỹ năng và thái độ, học cách tổ chức, phối hợp với người khác để làm việc nhóm, tổ chức hoạt động/sự kiện, gây quỹ, xin tài trợ. Cho đi là cách mài dũa cái tôi, hình thành trách nhiệm với bản thân, đoàn thể, tổ chức. Trong bán hàng online, trước những bài chốt sales luôn cần có những bài chia sẻ về kinh nghiệm, cách thức sử dụng. Tác giả trích dẫn nguyên tắc tuyển dụng nhân sự của Southwest Airline: thái độ chia sẻ, lòng nhiệt tình, khả năng ra quyết định, tinh thần đồng đội; khả năng giao tiếp; tự tin, các kỹ năng làm việc độc lập. Ông cũng đưa ra 1 khái niệm “quản lý bằng văn hóa”, “quản lý theo văn hóa”, khi doanh nghiệp xây dựng thành công văn hóa doanh nghiệp, trách nhiệm và áp lực của ban lãnh đạo sẽ giảm đi nhờ sự chia sẻ của cấp dưới. Cán bộ cấp trung được quyền chủ động biết tự làm gì trong tình huống khó khăn. Chính sự phối kết hợp làm việc theo giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, sự chia sẻ trong công việc lại là cách bạn thể hiện trách nhiệm của bản thân trong công việc và với tổ chức. Người biết sẻ chia trong cuộc sống sẽ nhận được phần thưởng tương xứng với những gì mình cho đi. Cách để bắt đầu “có ích cho xã hội” là tham gia vào các hoạt động xã hội để cho đi, các phong trào này sẽ là môi trường tốt để con bạn rèn luyện và phát triển kỹ năng mềm cần thiết trong công việc sau này.