GIAO DỊCH TỪ 400 TRIỆU ĐỒNG TRỞ LÊN PHẢI BÁO CÁO NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
🔰 Hiện nay việc rửa tiền thông qua các hình thức như mua bán vàng, bất động sản, các trò chơi có thưởng, xổ số,….. có xu hướng gia tăng. Nhằm tránh tình trạng rửa tiền, đảm bảo tính minh bạch và an toàn trong hoạt động tài chính, ngày 27/4/2023, Thủ tướng ban hành Quyết định 11/2023/QĐ-TTg quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo. Vậy mức giao dịch có giá trị bao nhiêu phải báo cáo? Những đối tượng nào phải báo cáo? Hình thức và thời gian báo cáo như thế nào? Mức phạt khi vi phạm là bao nhiêu? EMC tổng hợp lại các quy định tại Quyết định 11/2023/QĐ-TTg để Quý Khách hàng nắm rõ hơn về quy định này.
1. Mức giao dịch phải báo cáo
📃 Tại Khoản 3 Quyết định 11/2023/QĐ-TTg quy định: Giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước.
2. Các đối tượng phải báo cáo
📃 Căn cứ tại Điều 2 Quyết định 11/2023/QĐ-TTg năm 2023 quy định đối tượng thực hiện báo cáo như sau:
➤ Đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính được cấp giấy phép thực hiện một hoặc một số hoạt động sau đây:
- Nhận tiền gửi;
- Cho vay;
- Cho thuê tài chính;
- Dịch vụ thanh toán;
- Dịch vụ trung gian thanh toán;
- Phát hành công cụ chuyển nhượng, thẻ ngân hàng, lệnh chuyển tiền;
- Bảo lãnh ngân hàng, cam kết tài chính;
- Cung ứng dịch vụ ngoại hối, các công cụ tiền tệ trên thị trường tiền tệ;
- Môi giới chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán;
- Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán;
- Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ;
- Đổi tiền.
➤ Đối tượng báo cáo là tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật thực hiện một hoặc một số hoạt động sau đây:
- Kinh doanh trò chơi có thưởng, bao gồm: trò chơi điện tử có thưởng; trò chơi trên mạng viễn thông, mạng Internet; casino; xổ số; đặt cược;
- Kinh doanh bất động sản, trừ hoạt động cho thuê, cho thuê lại bất động sản và dịch vụ tư vấn bất động sản;
- Kinh doanh kim khí quý, đá quý;
- Kinh doanh dịch vụ kế toán; cung cấp dịch vụ công chứng; cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư;
- Cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ giám đốc, thư ký công ty cho bên thứ ba; cung cấp dịch vụ thỏa thuận pháp lý.
Lưu ý: Các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính chỉ báo cáo những giao dịch liên quan đến hoạt động kinh doanh của mình.
Ví dụ:
- 📑 Công ty Cổ phần Bất động sản X mua một lô đất với giá trị 480 triệu đồng. Công ty Cổ phần Bất động sản X có trách nhiệm báo cáo giao dịch này với NHNN trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng mua bán.
- 📑 Công ty TNHH MTV Dịch vụ Kế toán A cung cấp dịch vụ kế toán cho Công ty Cổ phần B. Công ty Cổ phần B thanh toán cho Công ty TNHH MTV Dịch vụ Kế toán A 500 triệu đồng bằng chuyển khoản. Công ty TNHH MTV Dịch vụ Kế toán A có trách nhiệm báo cáo giao dịch này với NHNN.
3. Hình thức, thời gian báo cáo
➤ Hình thức báo cáo
📃 Tại Điều 6 Thông tư 09/2023/TT-NHNN quy định: Đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo cho Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền bằng dữ liệu điện tử hoặc báo cáo bằng văn bản giấy theo Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 09/2023/TT-NHNN trong trường hợp chưa thiết lập được hệ thống công nghệ thông tin tương thích phục vụ cho việc báo cáo.
Lưu ý: Nếu khách hàng nộp ngoại tệ tiền mặt có giá trị lớn để mua đồng Việt Nam hoặc nộp tiền mặt bằng đồng Việt Nam có giá trị lớn để mua ngoại tệ tiền mặt thì chỉ báo cáo giao dịch nộp tiền mặt
➤ Nội dung báo cáo:
- Loại giao dịch
- Ngày thực hiện giao dịch
- Số tiền giao dịch
- Chủ tài khoản/khách hàng
- Mục đích sử dụng tiền
➤ Thời gian báo cáo:
❖ Trường hợp báo cáo bằng dữ liệu điện tử phải báo cáo trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh giao dịch;
❖ Trường hợp báo cáo bằng văn bản giấy thì trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh giao dịch.
- Cơ quan tiếp nhận báo cáo: Ngân hàng nhà nước Việt Nam
- Mức phạt khi báo cáo chậm, không báo cáo
📃 Theo quy định tại Khoản 27 Điều 1 Nghị định số 143/2021 của Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định số 88/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định:
- Phạt tiền 80.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố
- Bị phạt tiền từ 150 triệu đồng đến 250 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như không báo cáo các giao dịch có giá trị lớn; Không báo cáo các giao dịch đáng ngờ liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; Không báo cáo các giao dịch chuyển tiền điện tử…