QUY ĐỊNH MỚI VỀ QUẢN TRỊ CÔNG TY ĐỐI VỚI CÔNG TY ĐẠI CHÚNG
Bắt đầu từ tháng 8/2017, Nghị định 71/2017/NĐ-CP sẽ chính thức có hiệu lực. Như vậy, nhiều quy định mới về quản trị công ty đối với công ty đại chúng sẽ được áp dụng. Nhằm giúp các doanh nghiệp có thể nắm bắt được những thay đổi mới này, EMC đã tổng hợp một số điểm nổi bật đáng chú ý như sau:
1. Công ty đại chúng và người có liên quan
Để quý khách hàng có thể hiểu đầy đủ các quy định về quản trị công ty đối với công ty đại chúng, trước hết, chúng tôi sẽ giải thích hai thuật ngữ “Công ty đại chúng” và “Người có liên quan”.
Người có liên quan là tổ chức, cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây (Khoản 17 Điều 14 Luật Doanh Nghiệp 2014):
Công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc một trong ba loại hình sau đây (Điều 25 Luật Chứng Khoán 2006)
- Công ty đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng;
- Công ty có cổ phiếu được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán hoặc Trung tâm giao dịch chứng khoán;
- Công ty có cổ phiếu được ít nhất một trăm nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ mười tỷ đồng Việt Nam trở lên
Xem thêm: Dịch vụ Thành lập công ty nha trang và Dịch vụ kế toán nha trang
2. Hội đồng quản trị:
- Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) có thể không phải là cổ đông của công ty. Thành viên HĐQT của 01 công ty đại chúng không được đồng thời là thành viên HĐQT tại quá 05 công ty khác (Quy định này có hiệu lực sau 02 năm kể từ ngày 01/08/2017).
- Chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm chức danh Giám đốc (Tổng giám đốc) của cùng 01 công ty đại chúng (Quy định này có hiệu lực sau 03 năm kể từ ngày 01/08/2017).
- HĐQT của công ty đại chúng cần đảm bảo sự cân đối giữa các thành viên điều hành và các thành viên không điều hành. Tối thiểu 1/3 tổng số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên không điều hành.
- Công ty đại chúng cần hạn chế tối đa thành viên Hội đồng quản trị kiêm nhiệm chức danh điều hành của công ty để đảm bảo tính độc lập của Hội đồng quản trị.
- Trường hợp công ty đại chúng chưa niêm yết hoạt động theo mô hình: Đại hội đồng cổ đông, HĐQT và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc thì HĐQT phải có ít nhất 1/5 tổng số thành viên HĐQT là thành viên độc lập. Trường hợp số thành viên HĐQT có ít hơn 05 người thì có 01 thành viên HĐQT là thành viên độc lập.
- HĐQT của công ty niêm yết phải có tối thiểu 1/3 tổng số thành viên HQĐQT là thành viên độc lập.
2. Ban kiểm soát:
- Kiểm soát viên không được thuộc các trường hợp sau:
- Làm việc trong bộ phận kế toán, tài chính của công ty;
- Là thành viên hay nhân viên của công ty kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán các báo cáo tài chính của công ty trong 03 năm liền trước đó.
- Đối với công ty niêm yết và công ty đại chúng do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, Kiểm soát viên phải là kiểm toán viên hoặc kế toán viên.
- Trưởng Ban kiểm soát phải là kế toán viên hoặc kiểm toán viên chuyên nghiệp và phải làm việc chuyên trách tại công ty.
3. Trách nhiệm trung thực và tránh các xung đột về quyền lợi của người quản lý doanh nghiệp
Thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Giám đốc (Tổng giám đốc) có trách nhiệm báo cáo Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát trong các trường hợp sau:
- Các giao dịch giữa công ty với công ty trong đó các thành viên nêu trên là thành viên sáng lập hoặc là thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc) trong thời gian 03 năm gần nhất trước thời điểm giao dịch;
- Các giao dịch giữa công ty với công ty trong đó người có liên quan của các thành viên nêu trên là thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc) hoặc cổ đông lớn.
4. Giao dịch với cổ đông, người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan của các đối tượng này
Công ty đại chúng không được cung cấp khoản vay hoặc bảo lãnh vay cho các cổ đông và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến cổ đông đó trừ các trường hợp sau:
- Công ty đại chúng là tổ chức tín dụng;
- Cổ đông là công ty con không có cổ phần, phần vốn góp nhà nước nắm giữ và đã thực hiện góp vốn, mua cổ phần của công ty đại chúng trước ngày 01/7/2015;
- Công ty đại chúng và người có liên quan của cổ đông là tổ chức là các công ty trong cùng tập đoàn hoặc các công ty hoạt động theo nhóm công ty, bao gồm: công ty mẹ - công ty con, tập đoàn kinh tế và giao dịch này phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận theo quy định tại Điều lệ công ty;
- Trường hợp pháp luật có quy định khác
Công ty đại chúng không được thực hiện giao dịch sau nếu như không được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận:
- Cấp các khoản vay hoặc bảo lãnh cho thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Giám đốc (Tổng giám đốc), các người quản lý khác và những cá nhân, tổ chức có liên quan của các đối tượng này, trừ trường hợp công ty đại chúng và tổ chức có liên quan đến cổ đông là các công ty trong cùng tập đoàn hoặc các công ty hoạt động theo nhóm công ty, bao gồm công ty mẹ - công ty con, tập đoàn kinh tế và pháp luật chuyên ngành có quy định khác.
- Giao dịch với một trong các đối tượng sau mà tổng giá trị giao dịch đó từ 35% trở lên so với tổng giá trị tài sản ghi trên báo cáo tài chính gần nhất giữa công ty đại chúng:
- Thành viên HĐQT, Kiểm soát viên, Giám đốc (Tổng giám đốc), các người quản lý khác và người có liên quan của các đối tượng này;
- Cổ đông, người đại diện ủy quyền của cổ đông sở hữu trên 10% tổng vốn cổ phần phổ thông của công ty và những người có liên quan của họ;
- Doanh nghiệp có liên quan đến các Thành viên HĐQT, Kiểm soát viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác
- Ngoài ra, HĐQT được phép chấp thuận các hợp đồng, giao dịch có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản ghi trên báo cáo tài chính gần nhất hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty đối với ba đối tượng nêu trên.