QUY ĐỊNH MỚI VỀ THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP, THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN

09/12/2019 707

Vừa qua, Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư 25/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 78/2014/TT-BTC, thông tư số 111/2013/TT-BTC, trong đó, có những quy định đáng chú ý như sau:

1. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp

1.1. Khoản chi Bảo hiểm nhân thọ.

          Theo quy định mới, để được tính vào chi phí được trừ, phần chi bảo hiểm nhân thọ của doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

  • Phần chi không được vượt quá 03 triệu đồng/tháng/người (Trước đây không giới hạn mức chi);
  • Và phải được ghi cụ thể Điều kiện hưởng, mức hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.

1.2. Khoản trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện.

          Nếu như trước đây, để được tính vào chi phí được trừ thì doanh nghiệp chỉ được chi không quá 01 triệu đồng/tháng/người khi trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động.

          Tuy nhiên, theo quy định mới, mức trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện để tính vào chi phí được trừ đã tăng lên không quá 03 triệu đồng/tháng/người.

1.3. Bổ sung quy định về khoản chi bảo hiểm bắt buộc.

          Phần chi mà vượt mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để trích nộp các quỹ có tính chất an sinh xã hội (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm hưu trí bổ sung bắt buộc), quỹ bảo hiểm y tế và quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thì sẽ không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

1.4. Chi phí được trừ khi chuyển giao tài sản.

          Trường hợp doanh nghiệp có chuyển nhượng một Phần vốn hoặc chuyển nhượng toàn bộ doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật, nếu có chuyển giao tài sản thì doanh nghiệp nhận chuyển nhượng chỉ được trích khấu hao tài sản cố định vào chi phí được trừ đối với các tài sản chuyển giao đủ Điều kiện trích khấu hao theo giá trị còn lại trên sổ sách kế toán tại doanh nghiệp chuyển nhượng

2. Thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu.

          Thông tư 25/2018/TT-BTC đã thay đổi quy định về thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, cụ thể: “b. Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Luật chứng khoán. Thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu của các cá nhân trong công ty cổ Phần theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 của Luật chứng khoánĐiều 120 của Luật doanh nghiệp.”

          Như vậy, có thể thấy thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần không còn nằm trong thu nhập chuyển nhượng chứng khoáng mà thay thế bằng thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu thuộc các quy định sau:

          Khoản 2 Điều 6 của Luật chứng khoán: ”2. Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.”

          Điều 120 của Luật doanh nghiệp

1. Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó. Cổ phiếu phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của công ty;

b) Số lượng cổ phần và loại cổ phần;

c) Mệnh giá mỗi cổ phần và tổng mệnh giá số cổ phần ghi trên cổ phiếu;

d) Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số quyết định thành lập, địa chỉ trụ sở chính của cổ đông là tổ chức;

đ) Tóm tắt về thủ tục chuyển nhượng cổ phần;

e) Chữ ký của người đại diện theo pháp luật và dấu của công ty (nếu có);

g) Số đăng ký tại sổ đăng ký cổ đông của công ty và ngày phát hành cổ phiếu;

h) Các nội dung khác theo quy định tại các Điều 116, 117 và 118 của Luật này đối với cổ phiếu của cổ phần ưu đãi.

2. Trường hợp có sai sót trong nội dung và hình thức cổ phiếu do công ty phát hành thì quyền và lợi ích của người sở hữu nó không bị ảnh hưởng. Người đại diện theo pháp luật công ty chịu trách nhiệm về thiệt hại do những sai sót đó gây ra.

3. Trường hợp cổ phiếu bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng dưới hình thức khác thì cổ đông được công ty cấp lại cổ phiếu theo đề nghị của cổ đông đó.

Đề nghị của cổ đông phải có các nội dung sau đây:

a) Cổ phiếu đã bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng dưới hình thức khác; trường hợp bị mất thì phải cam đoan rằng đã tiến hành tìm kiếm hết mức và nếu tìm lại được sẽ đem trả công ty để tiêu hủy;

b) Chịu trách nhiệm về những tranh chấp phát sinh từ việc cấp lại cổ phiếu mới.

Đối với cổ phiếu có tổng mệnh giá trên mười triệu Đồng Việt Nam, trước khi tiếp nhận đề nghị cấp cổ phiếu mới, người đại diện theo pháp luật của công ty có thể yêu cầu chủ sở hữu cổ phiếu đăng thông báo về việc cổ phiếu bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng dưới hình thức khác và sau 15 ngày, kể từ ngày đăng thông báo sẽ đề nghị công ty cấp cổ phiếu mới.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2018

Chi tiết xem tại: Thông tư 25/2018/TT-BTC