DOANH NGHIỆP CẦN LÀM GÌ SAU KHI ĐƯỢC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ KINH DOANH?

28/01/2021 10,131

Lời đầu tiên, EMC xin chúc mừng quý doanh nghiệp (DN) đã hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh thành công. Kính chúc quý DN luôn phát triển thịnh vượng.

Với mong muốn đồng hành cùng các doanh nghiệp mới thành lập đi vào sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả và chuyên nghiệp, EMC xin gửi đến quý DN một số thủ tục cần thực hiện sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, để quý DN tham khảo:

Bước 1: Treo bảng hiệu

Doanh nghiệp cần tiến hành làm biển hiệu và gắn tại trụ sở công ty. Thông tin chính trên bảng hiệu bao gồm: tên công ty, mã số thuế công ty, địa chỉ trụ sở chính. Việc treo biển hiệu sẽ giúp cơ quan thuế xác nhận DN đang thật sự hoạt động tại trụ sở đã đăng ký, cho phép DN sử dụng hóa đơn.

 

Bước 2: Đăng ký và kích hoạt chữ ký số điện tử (USB Token)

Chữ ký số điện tử có giá trị tương đương với con dấu của DN, hỗ trợ việc kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, kê khai BHXH, ký hóa đơn,… Vì vậy, DN cần tiến hành lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số uy tín để đặt mua chữ ký số và đăng ký sử dụng với Cơ quan thuế. Đồng thời, DN cần đăng ký tài khoản nộp tiền thuế qua mạng điện tử. Giấy tờ cần chuẩn bị khi mua chữ ký số: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, CMND của người đại diện theo pháp luật (bản photo).

 

 

 

Bước 3: Mở tài khoản Ngân hàng

Tùy vào mối quan hệ và sự thuận tiện trong công tác kinh doanh về sau, DN có thể lựa chọn mở tài khoản công ty tại bất kỳ ngân hàng nào tại Việt Nam. Hồ sơ mở tài khoản ngân hàng, bao gồm:

+ Giấy đề nghị mở tài khoản theo mẫu có chữ ký của người đại diện công ty và dấu của công ty;

+ CMND của người đại diện (bản sao công chứng);

+ Giấy phép đăng ký kinh doanh (bản sao công chứng);

+ Điều lệ công ty, quyết định bổ nhiệm và CMND kế toán trưởng (một số ngân hàng sẽ yêu cầu);

+ Nộp tiền ban đầu vào tài khoản ngân hàng (tùy vào quy định của từng ngân hàng), thông thường: 1.000.0000 VNĐ;

Bước 4: Kê khai Lệ phí Môn bài và nộp Lệ phí Môn bài

Các doanh nghiệp được thành lập mới từ ngày 25/02/2020 trở về sau được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập theo Nghị định 22/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 25/02/2020, nhưng vẫn phải nộp tờ khai thuế môn bài. Vì vậy, việc nộp tờ khai Lệ phí Môn bài và Phí Môn bài của DN phải được thực hiện chậm nhất vào 30/1 hàng năm.

Bước 5: Lựa chọn phương pháp tính thuế Giá trị gia tăng (GTGT).

Hiện nay có hai phương pháp chính để tính thuế GTGT, đó là phương pháp khấu trừ thuế và phương pháp tính thuế trực tiếp trên doanh thu.

Khi mới thành lập, DN cần lựa chọn phương pháp tính thuế GTGT phù hợp, việc này không chỉ ảnh hưởng lớn đến số thuế GTGT phải nộp hàng kỳ của DN mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng của DN. DN có thể căn cứ vào đối tượng khách hàng mà DN hướng tới là pháp nhân hay cá nhân để lựa chọn phương pháp tính thuế GTGT. Nếu khách hàng của DN là tổ chức thì nên chọn phương pháp khấu trừ, nếu khách hàng là cá nhân/hộ kinh doanh, DN nên chọn phương pháp tính thuế trực tiếp. Ngoài ra, cần phải tính toán thêm các yếu tố khác như phương pháp nào thì đóng thuế nhiều hơn, thuận tiện hơn, thể hiện uy tín thương hiệu tốt hơn, ...

Bước 6: Đăng ký mua và Phát hành hóa đơn điện tử.

Theo quy định của Nghị định 123/2020/NĐ-CP, tất cả doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 123/2020/NĐ-CP) đều có nghĩa vụ sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 01/7/2022. Vì vậy, sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì Doanh nghiệp cần đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử với cơ quan thuế.

Tuy nhiên, với DN mới thành lập, Cơ quan thuế vẫn khuyến khích DN lựa chọn nhà cung cấp hóa đơn điện tử uy tín, chất lượng để tiến hành việc đăng ký mua hóa đơn và làm thủ tục với cơ quan thuế để hóa đơn được phép sử dụng. Đồng thời cần chuẩn bị cả về con người, máy móc thiết bị, cách thức sử dụng và quản lý hóa đơn điện tử.

Bước 7: Tổ chức bộ máy kế toán hoặc thuê đơn vị hành nghề làm kế toán.

Theo quy định của Luật kế toán, sau khi có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, DN phải tổ chức bộ máy kế toán, bố trí người làm kế toán hoặc thuê đơn vị hành nghề làm kế toán để thực hiện ghi nhận các nghiệp vụ kinh tế phát sinh vào các chứng từ, sổ sách kế toán; nộp các loại báo cáo thuế, quyết toán thuế, theo đúng chuẩn mực, chế độ kế toán. Rất nhiều DN mới thành lập thường hay bỏ qua hoặc không thực sự chú tâm đến công tác này, dẫn đến rất nhiều rắc rối trong các đợt thanh tra và quyết toán thuế từ các lỗ hỏng của hồ sơ sổ sách kế toán. Việc đảm bảo hồ sơ kế toán chặt chẽ, xuyên suốt không chỉ góp phần quan trọng trong việc cung cấp thông tin quản trị kịp thời cho DN; mà còn hỗ trợ DN kiểm soát tối đa rủi ro trong hoạt động kinh doanh sản xuất, góp phần tiết giảm chi phí và gia tăng hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp.

DN mới thành lập tại Nha Trang nên lựa chọn dịch vụ kế toán do đơn vị được cấp chứng chỉ hành nghề để đảm bảo hồ sơ chặt chẽ.

Trên đây là các thông tin cơ bản mà doanh nghiệp cần thực hiện sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp./.