SỬ DỤNG HÓA ĐƠN BẤT HỢP PHÁP, SỬ DỤNG BẤT HỢP PHÁP HÓA ĐƠN?

09/12/2019 1,700

Hiện nay, hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp hoặc sử dụng bất hợp pháp hóa đơn ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, thực tế là nhiều người vẫn không biết đó là hành vi vi phạm hoặc là biết nhưng vẫn không rõ ràng về hậu quả mà mình phải gánh chịu. Chính vì vậy, chúng tôi đã viết bài này với mục đích làm rõ vấn đề trên:

1. Thế nào là sử dụng hóa đơn bất hợp pháp (Điều 22 Thông Tư 39/2014/TT-BTC)

          - Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp là việc sử dụng hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng. Theo đó thì:

- Hóa đơn giả là hóa đơn được in hoặc khởi tạo theo mẫu hóa đơn đã được phát hành của tổ chức, cá nhân khác hoặc in, khởi tạo trùng số của cùng một ký hiệu hóa đơn.

- Hóa đơn chưa có giá trị sử dụng là hóa đơn đã được tạo theo quy định của pháp luật, nhưng chưa hoàn thành việc thông báo phát hành.

- Hóa đơn hết giá trị sử dụng là hóa đơn đã làm đủ thủ tục phát hành nhưng tổ chức, cá nhân phát hành thông báo không tiếp tục sử dụng nữa; các loại hóa đơn bị mất sau khi đã thông báo phát hành được tổ chức, cá nhân phát hành báo mất với cơ quan thuế quản lý trực tiếp; hóa đơn của các tổ chức, cá nhân đã ngừng sử dụng mã số thuế (còn gọi là đóng mã số thuế).

Như vậy, việc tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi sử dụng các loại hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng theo quy định nêu trên thì có nghĩa là đã sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

2. Thế nào là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn? (Điều 22 Thông Tư 39/2014/TT-BTC)

2.1. Sử dụng bất hợp pháp hóa đơn là:

- Việc lập khống hóa đơn;

- Cho hoặc bán hóa đơn chưa lập để tổ chức, cá nhân khác lập khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (trừ các trường hợp được sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế bán hoặc cấp và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn);

- Cho hoặc bán hóa đơn đã lập để tổ chức, cá nhân khác hạch toán, khai thuế hoặc thanh toán vốn ngân sách;

- Lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc;

- Lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên;

- Dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác.

2.2. Một số trường hợp cụ thể được xác định là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn:

- Hóa đơn có nội dung được ghi không có thực một phần hoặc toàn bộ.

- Sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác để bán ra, để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ hoặc hàng hóa, dịch vụ bán ra để gian lận thuế, để bán hàng hóa nhưng không kê khai nộp thuế.

- Sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác để bán hàng hóa, dịch vụ, nhưng không kê khai nộp thuế, gian lận thuế; để hợp thức hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ.

- Hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn.

- Sử dụng hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ mà cơ quan thuế, cơ quan công an và các cơ quan chức năng khác đã kết luận là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.

3. Xử lý vi phạm.

          Tổ chức, cá nhân có hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp hoặc sử dụng bất hợp pháp hóa đơn thì bị Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với:

- Hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp (trừ hành vi không lập Thông báo phát hành hóa đơn trước khi hóa đơn được đưa vào sử dụng thuộc trường hợp tại bài viết xử phạt vi phạm về mua và phát hành hóa đơn) hoặc

- Hành vi sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (trừ hành vi không lập đủ các nội dung bắt buộc trên hóa đơn thuộc trường hợp tại bài viết phạt như thế nào khi viết thiếu các nội dung trên hóa đơn).

Theo EMC