TIỀN LÃI CHẬM ĐÓNG, TRỐN ĐÓNG, CHIẾM DỤNG BHXH, BHYT, BHTN

09/12/2019 1,391

Hiện nay, vấn đề bảo hiểm cho người lao động đang được nhà nước, các doanh nghiệp và người lao động đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy, vừa qua Chính Phủ đã ban hành thông tư 20/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 20/3/2016, để hướng dẫn chi tiết về phương pháp xác định tiền lãi chậm đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng, hưởng Bảo Hiểm Xã Hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể như sau:

1. Trường hợp chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lãi chậm đóng được xác định hằng tháng theo công thức sau:

Số tiền lãi phải thu phát sinh trong tháng (n)

=

Số tiền chậm đóng lũy kế đến cuối tháng (n-2)

X

Lãi suất chậm đóng (%/tháng)

Trong đó:

  • (n) là tháng xác định tiền lãi chậm đóng.
  • (n-2) là tháng liền trước 02 tháng của tháng (n).
  • Lãi suất chậm đóng (%/tháng) là mức lãi suất bình quân tính theo tháng do BHXH Việt Nam thông báo đầu năm.

2. Trường hợp trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, đóng không đủ số tiền phải đóng theo quy định, đóng thấp hơn mức đóng của người thuộc diện bắt buộc tham gia, chiếm dụng tiền đóng hưởng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (sau đây gọi là trốn đóng):

Đối với trường hợp này nếu bị cơ quan BHXH, cơ quan có thẩm quyền phát hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, thì ngoài việc truy thu số tiền phải đóng theo quy định, còn phải truy thu số tiền lãi tính trên số tiền, thời gian trốn đóng và mức lãi suất chậm đóng như sau:

  • Toàn bộ thời gian trốn đóng trước ngày 01 tháng 01 năm 2016, được tính theo mức lãi suất chậm đóng áp dụng đối với năm 2016;
  • Đối với thời gian trốn đóng từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi, được tính theo mức lãi suất chậm đóng áp dụng đối với từng năm và xác định theo công thức quy định tại Mục 1 Bài Viết này.

Ví dụ 1:

Ngày 20 tháng 01 năm 2016, cơ quan BHXH phát hiện doanh nghiệp M:

  • Trốn đóng BHXH cho người lao động 12 tháng (tính đến hết tháng 12 năm 2015) với số tiền là 100 triệu đồng;
  • Giả sử mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân theo tháng của năm 2015 do BHXH Việt Nam thông báo là 0,7%/tháng:

Như vậy, đối với trường hợp này, doanh nghiệp M sẽ phải nộp 116,8 triệu đồng, trong đó:

  • 100 triệu đồng là số tiền trốn đóng BHXH
  • Theo Khoản 3 Điều 122 Luật Bảo Hiểm Xã Hội thì Doanh nghiệp M còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm 2015. Vì vậy, 16,8 triệu đồng là tiền lãi được xác định bằng cách lấy 100 triệu đồng x 12 tháng x 2 x 0,7%/tháng

Trong tháng 01 năm 2016, nếu doanh nghiệp M không nộp hoặc nộp không đủ đối với số tiền trốn đóng, thì số tiền chưa nộp được chuyển sang tháng 02 năm 2016 để tính lãi theo công thức quy định tại Mục 1 Bài Viết này.

3. Số tiền lãi chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phải thu trong tháng gồm số tiền lãi chậm đóng lũy kế đến cuối tháng trước liền kề chuyển sang và số tiền lãi chậm đóng tính trên số tiền chậm đóng phát sinh trong tháng được xác định theo quy định tại Mục 1 Bài Viết này.

Ví dụ 2:

Đến hết tháng 12 năm 2015,

Số tiền chậm đóng BHXH của doanh nghiệp A là 700 triệu đồng, trong đó:

  • Số tiền chậm đóng lũy kế đến cuối tháng 11 chuyển sang là 600 triệu đồng.
  • Số tiền chậm đóng phát sinh trong tháng 12 là 100 triệu đồng.

Số tiền lãi chậm đóng BHXH là 50 triệu đồng.Giả sử mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân theo tháng của năm 2015 là 0,7%/tháng. Tổng tiền lãi chậm đóng BHXH đối với doanh nghiệp A trong tháng 01 năm 2016 (tháng n) được xác định như sau:

  • Trong tháng 01 năm 2016:
    • Doanh nghiệp A phải đóng đủ số tiền chậm đóng lũy kế đến cuối tháng 11 năm 2015 (tháng n-2) là 600 triệu đồng.
    • Đồng thời, Theo Khoản 3 Điều 122 Luật Bảo Hiểm Xã Hội thì Doanh nghiệp A còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm 2015 tính trên số tiền chậm đóng 600 triệu đồng:

Số tiền lãi phải nộp phát sinh trong tháng 01/2016

=

600 triệu đồng

x

2

x

0,7%

=

8,4 triệu đồng

 

  • Đối với số tiền chậm đóng 100 triệu đồng phát sinh trong tháng 12 năm 2015:
    • Trường hợp doanh nghiệp A nộp đủ trong tháng 01 năm 2016 thì không tính lãi;
    • Trường hợp doanh nghiệp A không nộp hoặc nộp không đủ, thì số tiền chưa nộp được chuyển sang tháng sau (tháng 02 năm 2016) để tính lãi.

Như vậy, Tổng số tiền lãi chậm đóng BHXH phải thu của doanh nghiệp A lũy kế đến cuối tháng 01 năm 2016 là 58,4 triệu đồng, gồm: 50 triệu đồng của tháng 12 năm 2015 mang sang và 8,4 triệu đồng phát sinh trong tháng 01 năm 2016.

4. Một số điểm cần lưu ý (Khoản 3 Điều 6 Quyết định 60/2015/QĐ-TTg):

  • Trường hợp chậm đóng bảo hiểm y tế từ 30 ngày trở lên, số tiền lãi phải thu bằng 02 lần mức lãi suất thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố trên Cổng Thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng. Trường hợp lãi suất liên ngân hàng năm trước liền kề không có kỳ hạn 9 tháng thì áp dụng theo mức lãi suất của kỳ hạn liền trước kỳ hạn 9 tháng;
  • Trường hợp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 30 ngày trở lên, số tiền lãi phải thu bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.